Bối cảnh Trận_Đan_Mạch

Vào mùa xuân năm 1939 Hải quân Hoàng gia Anh đã bắt đầu nhận định về vùng Scandinavia rất có thể sẽ là chiến trường tương lai trong cuộc xung đột với nước Đức. Khả năng về một cuộc tấn công vào Na Uy, và cả Đan Mạch nữa, nổi lên cao độ kể từ khi Anh và Pháp tuyên chiến với Đức vào ngày 3 tháng 9 năm 1939.[9] Chính phủ Anh lúc này đang miễn cưỡng tham gia vào một cuộc xung đột lớn mới trên lục địa châu Âu và dự định tiến hành một cuộc phong tỏa nhằm gián tiếp làm suy yếu nước Đức. Nền công nghiệp vũ trang của Đức bị phụ thuộc nhiều vào nguồn quặng sắt nhập khẩu từ Kiruna ở miền bắc Thụy Điển, và vào mùa đông khi vịnh Bothnia bị đóng băng, quặng sắt được vận chuyển qua cảng Narvik phía bắc Na Uy.[10] Việc kiểm soát bờ biển Na Uy sẽ giúp Anh gia tăng sự phong tỏa đối với Đức.

Trong tháng 10 năm 1939, thủ lĩnh Hải quân Đức Quốc xã là Đô đốc Erich Raeder đã thảo luận với Adolf Hitler về mối đe dọa có thể gây ra nếu Anh có được các căn cứ tại Na Uy. Raeder cho rằng việc nắm Na Uy trong tay sẽ có thể giúp kiểm soát các vùng biển lân cận và làm căn cứ cho các hoạt động của tàu ngầm trong tương lai để chống lại Anh Quốc. Vào lúc đó, các bộ phận khác trong quân đội Đức Quốc xã không tỏ ra hứng thú với đề xuất này, và Hitler lại vừa ban hành một chỉ thị nêu rõ rằng mối quan tâm chính hiện nay là dành cho một cuộc tấn công trên bộ qua Vùng đất thấp.

Sau khi Chiến tranh Mùa đông giữa Phần LanLiên Xô bùng nổ, cả phe Đồng Minh phương Tây (Anh và Pháp) lẫn Đức đều tăng cường quan tâm đến Scandinavia. Anh và Pháp muốn giúp Phần Lan và đang tìm kiếm sự cho phép từ các quốc gia trung lập Na Uy và Thụy Điển để có thể vận chuyển binh lính, đồ tiếp tế thông qua lãnh thổ của họ. Hitler đã lo ngại rằng đối thủ Anh và Pháp sẽ triển khai quân tại các nước Bắc Âu và đe dọa nước Đức từ hướng này. Điều đó sẽ cắt đứt nguồn nhập khẩu quặng sắt của Đức từ phía bắc Thụy Điển. Tuy nhiên, cả Na Uy và Thụy Điển đều đã không đồng ý cho Đồng Minh vận chuyển và đóng quân tại miền bắc lãnh thổ của họ.

Hải quân Đức muốn có các căn cứ tàu ngầm ở Na Uy. Từ đó, họ sẽ có thể dễ dàng để tiến ra tại Đại Tây Dương và đe dọa các tuyến vận chuyển đường biển của Anh. Đồng thời, Hitler cần đến một chiến thắng nhanh chóng và thuyết phục để có thể đè bẹp sự chống đối trong ban lãnh đạo quân sự Đức. Mặc dù không có giá trị chiến lược quan trọng đối với Đức, nhưng Đan Mạch có thể được sử dụng như một căn cứ phục vụ cho các chiến dịch tại Na Uy, cho phép tăng cường công tác tiếp tế tại đó. Để chiếm Na Uy Đức cần phải kiểm soát được các sân bay ở Aalborg phía bắc Jutland.[11] Ngoài ra, Bộ tư lệnh không quân Đức ủng hộ việc chiếm Đan Mạch nhằm mở rộng hệ thống phòng không phía bắc của Đức, gây thêm khó khăn cho máy bay ném bom Anh trong việc tấn công các thành phố của Đức từ hướng bắc.[12]

Ban đầu, Hitler chỉ lên kế hoạch bắt buộc Đan Mạch phải chấp nhận "một sự vi phạm giới hạn về chủ quyền" để Wehrmacht có thể lập căn cứ tại Jutland và sử dụng sân bay Aalborg làm một điểm dừng chân và phi trường cho máy bay tiêm kích. Ngày 1 tháng 3 năm 1940 Hitler lại ban hành một chỉ thị rằng cả Na Uy và Đan Mạch đều bị xâm chiếm, và ngày 5 tháng 3 tướng Leonhard Kaupisch được chỉ định làm tư lệnh chỉ huy cuộc xâm lược của Đan Mạch, với mật danh Weserübung-Sud.[11]

Hiệp ước không xâm phạm Đan Mạch-Đức

Ngày 31 tháng 5 năm 1939 Đan Mạch và Đức Quốc xã đã ký kết "Hiệp ước không xâm phạm Đan Mạch-Đức năm 1939". Trong đó quy định "Vương quốc Đan Mạch và Đế quốc Đức sẽ không có hành động chiến tranh hay bất kỳ loại hình sử dụng vũ lực nào khác với nhau". Hiệp ước được ký kết giữa Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Peter Rochegune Munch và Bộ trưởng Ngoại giao của Đế chế thứ ba Joachim von Ribbentrop với thời hạn 10 năm và có thể được gia hạn thêm.[13]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Đan_Mạch http://www.arbejderen.dk/index.aspx?F_ID=47636&TS_... http://www.chakoten.dk/ http://www.cultours.dk/presse/besettelsen-af-danma... http://www.dr.dk/Regioner/Trekanten/Niende_April/2... http://forsvaret.dk/LG/Vagtkompagniet/Historie/ http://www.jewmus.dk/mitzvah_1.asp?language=uk http://www.milhist.dk/besattelsen/9april/9_april_d... http://www.milhist.dk/besattelsen/9april/9april.ht... http://www.milhist.dk/dok/faldne http://www.navalhistory.dk/Danish/Historien/1939_1...